Trong “Anh hùng xạ điêu” và “Thần Điêu Đại Hiệp”, chắc hẳn mọi người còn nhớ các nhân vật Vương Trùng Dương và Toàn Chân Thất Tử. Cốt truyện tuy có nhắc đến tu luyện, nhưng cơ điểm vẫn là tư tâm, yêu hận tình thù.
Trên thực tế, để tu luyện thành công cần xả bỏ tất cả mọi tư tâm và thất tình lục dục. Đạo sĩ Vương Trùng Dương vốn là ông tổ của Toàn Chân giáo, ông dạy dỗ đồ đệ rất nghiêm khắc, thường đánh đập để thử thách nên cuối cùng chỉ còn lại bảy người. Nhóm bảy đạo sĩ này được gọi là Toàn Chân Thất Tử, một trong số đó là Hác Đại Thông.
Sau này tổ sư Vương Trùng Dương vũ hóa đăng Tiên, Hác Đại Thông cùng với 6 vị sư huynh đệ đi khắp nơi ngao du sơn thủy. Sách xưa có kể chuyện Hác Đại Thông vân du qua Triều Châu. Ông từng ở dưới cầu Triều Châu đả tọa ngồi thiền sáu năm, bị trẻ con tinh nghịch đánh chửi trêu chọc, thậm chí lấy mấy hòn đá to đặt trên đầu, ông vẫn thản nhiên bất động. Khi nước sông dâng cao càn quét mọi thứ trên đường đi của nó, ông vẫn ngồi yên không lay động nhưng kỳ lạ thay nước sông lại chảy vòng qua không hề tổn hại đến ông.
Một ngày, tổ sư Vương Trùng Dương hóa thành đồng tử hiện thân điểm hóa cho Hác Đại Thông, muốn ông đến Hoa Sơn tạc động tu Đạo sẽ có thể thành chính quả. Hác Đại Thông nghe lời Sư phụ đến Hoa Sơn tạc động ba năm, tạc ra được động Tử Vi chuẩn bị ở đây tu hành. Động Tử Vi vừa tạc xong, liền có một vị lão Đạo nhân đến khẩn cầu nói rằng: “Động của ông tạc thật là tốt, ta không tạc, vậy nhường cho ta nhé”. Hác Đại Thông nghe vậy, không nói câu nào liền nhường động cho lão Đạo sĩ đó. Tạc hết động này đến động khác, cho hết Đạo hữu này đến Đạo hữu kia, mất hơn 40 năm tạc được 70 động nhưng vẫn không có một cái động nào cho bản thân mà tu Đạo cả.
Hác Đại Thông mang theo hai đồ đệ tới Nghiệt Nghiệt Chuyên, nơi có vách núi dựng đứng tuyệt đẹp, quả là một nơi lý tưởng để tu hành. Ông bảo đồ đệ giữ sợi dây cho ông leo xuống, tại lưng chừng vách núi tạc cái động thứ 71. Hai đồ đệ vốn một lòng muốn tu Đạo thành Tiên, ngờ đâu lại gặp một ông Sư phụ chỉ biết tạc động tặng cho người ta. Bây giờ thấy thời cơ đã tới, nhất thời ác niệm nổi lên bèn cắt đứt sợi dây cho Sư phụ rơi xuống núi mà chết.
Hai người đồ đệ thu dọn hành lý vội vàng xuống núi, mới đi một đoạn đã thấy Sư phụ phiêu nhiên lướt tới. Hai đồ đệ lập tức hiểu ra sư phụ đã đắc Đạo thành Tiên rồi, trong tâm hối hận mãi không thôi. Hác Đại Thông thấy đồ đệ đã hối hận, một lần nữa lại thu nạp họ. Tảng đá ven đường nơi Sư phụ gặp hai đồ đệ xuống núi về sau được đặt tên là “Hồi tâm thạch” để ghi nhớ sự kiện này.
Lời bàn:
Phật Thích Ca Mâu Ni có mười đại đệ tử, trong đó Mục Kiền Liên được mệnh danh là “đệ nhất thần thông”. Bồ Đề Đạt Ma, đệ tử đời thứ 12 của ông chỉ với một cọng lau vượt sông Dương Tử, sau đó ngồi quay mặt vào núi Tiểu Thất chín năm, thân hình in trên đá, trở thành kỳ quan thiên cổ. Lục tổ Huệ Năng của Thiền Tông đã viên tịch hơn 1.000 năm mà nhục thân không hề hư hoại, đến nay vẫn an nhiên tọa trong chùa Nam Hoa tỉnh Quảng Đông.
Chân nhân Trương Tam Phong, cũng như các bậc Phật, Đạo, Thần xưa nay đều khuyên bảo con người coi nhẹ danh lợi tình, buông bỏ dục vọng, tu luyện Chính Pháp, đắc Chính Quả, vượt thoát luân hồi sinh tử. Một người tu Đạo xưa từng có bài thơ như thế này :
“Cầu danh tham lợi khắp thế gian
Chẳng như lão nạp Đạo nhân gian
Gà được cho ăn nồi đã sủi
Nhạn đồng không thóc vẫn an nhàn
Phú quý trăm năm đâu giữ nổi
Lẽ Đạo luân hồi vẫn tuần hoàn
Khuyên người sớm kiếm đường tu luyện
Đánh mất thân người vạn kiếp nan”.