Hiếm có câu chuyện nào nổi tiếng như chuyện Đại Hồng Thủy và con tàu Noah trong quyển sách Bible. Suốt nhiều thời kỳ lâu dài nó đã từng được xem là một phần của lịch sử. Điều đáng quan tâm hơn nữa, là sự kiện Đại Hồng Thủy hiện diện trong rất nhiều sách cổ của vô số dân tộc và các nền văn minh tiên tiến cổ đại, như Olmecs tiền châu Mỹ, Sumer Lưỡng Hà, cổ Ai Cập, cổ Hy Lạp, thung lũng Indus-Sarawati Ấn Độ, vv… Tất cả các “huyền thoại” ấy đều giống nhau một cách đáng kinh ngạc ở nhiều chi tiết, cho thấy chúng phải có nguồn gốc chung dựa trên một sự kiện thực tế ở quy mô toàn cầu.
>>Đại Hồng Thủy và truyền thuyết 2012 của người Maya
>>Liệu Đại hồng thủy là có thật?
>>Đại Hồng Thủy – “truyền thuyết” và sự thật
>>Đại Hồng Thủy không phải là 2012?
Câu chuyện trong sách Bible đại ý kể rằng:
Có một thời loài người đã từng phát triển văn minh rực rỡ, nhưng đạo đức của họ suy đồi, trái tim họ trở nên ích kỷ và độc ác. Họ thường xuyên có những ý nghĩ gian ác và mưu tính xấu xa. Thần đã kiên nhẫn chờ đợi loài người thay đổi tốt hơn lên, nhưng vô vọng, vì vậy Thần quyết định hủy diệt loài người đã tha hóa biến chất bằng cơn Hồng Thủy, đồng thời tẩy sạch địa cầu. Thần lựa chọn Noah vì ông còn đạo đức tốt đẹp và cho ông biết trước Đại thảm họa sắp xảy ra. Thần dạy ông đóng một con tàu để cứu bản thân, gia đình, những người khác và các cặp đôi động vật, đồng thời tích trữ nhiều thức ăn trên tàu. Rồi cơn Hồng Thủy thình lình xuất hiện, mưa liên tục suốt 40 ngày đêm, nước ngập tràn trái đất ngập cả những đỉnh núi cao. Tất cả mọi sinh vật trên trái đất đều bị hủy diệt.Rồi Noah thả chim bồ câu ra để thử xem nước rút chưa, lần đầu tiên chim quay về vì không có gì ngoài mặt nước mênh mông. Lần thứ 2 chim ngậm cành ôliu bay về nghĩa là nước đang rút dần. Lần thứ 3 bồ câu không bay về nữa vì nước đã rút và nó đã tìm thấy đất liền. Sau cơn Hồng Thủy, Noah và những người sống sót khác đã sinh sôi lại loài người.
Những câu chuyện Đại Hồng Thủy của các dân tộc và các nền văn minh thượng cổ đều rất tương đồng với “huyền thoại” trên. Ví dụ: Sự cảnh báo về Trận Lụt sắp tới, một số người được mách bảo đóng một con tàu trước khi sự việc xảy ra, tồn trữ chuẩn bị trước nhiều cặp đôi của các loài động vật, và đặc biệt là Dùng cách thả chim để xác định xem liệu mực nước đã rút xuống hay chưa. Trong một sự kiện kiểu như Đại Hồng Thủy khi tất cả các thiết bị phương tiện cao cấp đều đã bị hủy, thả chim có lẽ là cách đặc thù duy nhất để xác định xem đất liền đã xuất hiện hay chưa. Nếu không trải qua thực tế, người ta không thể tưởng tượng ra được phương pháp này.
Một vài câu chuyện trong kho tư liệu Đại Hồng Thủy toàn cầu
Châu Phi
Tây nam Tanzania
Xưa kia các con sông bắt đầu trận lụt. Thần bảo 2 con người hãy lên một con tàu. Ông bảo họ hãy mang theo nhiều hạt giống và nhiều loài động vật. Nước lụt thậm chí bao phủ cả những ngọn núi. Cuối cùng nước đã ngừng. Sau đó, một trong 2 người ấy, muốn biết xem liệu nước đã rút khô chưa, bèn thả 1 con chim bồ câu ra. Chim bồ câu bay trở lại. Rồi, ông ta thả 1 con quạ ra, nhưng nó đã không trở về. Sau đó 2 người ấy rời tàu, mang theo các loài động vật và hạt giống.
Châu Á
Babylon
Gilgamesh đã gặp một ông già tên là Utnapishtim. Ông già kể Gilgamesh nghe câu chuyện sau đây:
Các vị Thần đã cảnh báo Utnapishtim về một trận lụt khủng khiếp sắp sửa xảy ra để hủy diệt toàn nhân loại, bởi loài người đã vô cùng thối nát và vô đạo. Họ hướng dẫn Utnapishtim tháo dỡ căn nhà của mình để đóng một con tàu lớn. Con tàu 8 tầng hình lập phương, mỗi cạnh khoảng 60m. Utnapishtim phủ con tàu bằng hắc ín. Nghe theo lời các Thần, ông đã đưa vợ và gia đình, các đôi động vật thuộc nhiều loài, thực phẩm dự trữ, vv… lên tàu. Khi con tàu đã chuẩn bị xong xuôi, mưa bắt đầu tuôn xối xả xuống. Mưa suốt trong sáu ngày đêm liền.Cuối cùng mọi thứ đã yên ắng, và con tàu neo đậu trên đỉnh núi Nisir. Sau khi con tàu nghỉ lại đó được bảy ngày, Utnapishtim đã thả một chú chim bồ câu ra. Bởi vì mặt đất còn chưa khô ráo, chim bồ câu đã trở về. Tiếp theo, ông đã thả một con chim nhạn, và nó cũng bay trở lại. Sau đó, ông lại thả một con quạ, và con quạ không bao giờ trở về bởi vì mặt đất đã khô ráo.Thế là Utnapishtim rời tàu.
Người Chaldea
Có một người đàn ông tên là Xisuthrus. Thần Chronos cảnh báo Xisuthrus về một trận lũ sắp xảy đến và bảo ông đóng một con tàu. Con tàu dài 5 stadium rộng 2 stadium (1 stadium = 185m). Trong con tàu, Xisuthrus mang theo cả gia đình, bạn bè và các cặp đôi của nhiều loài động vật. Lũ đến. Khi nước bắt đầu rút, ông thả vài chú chim ra. Chúng đã trở lại và ông nhìn thấy bùn trên đôi chân của chúng. Ông lại thả chim một lần nữa, và kết quả vẫn như vậy.Khi ông cố gắng thả chim lần thứ ba, chúng không trở về nữa. Biết rằng nước đã rút khô, mọi người ra khỏi tàu.
Người Chaldea là dân tộc thời thượng cổ, ở Lưỡng Hà, nay thuộc miền Nam Iraq.
Ấn Độ
Từ thuở xa xưa có một người tên là Manu. Manu, trong khi đang tắm sông, đã cứu được một con cá nhỏ thoát khỏi hàm răng của một con cá lớn. Cá nói với Manu, “Nếu anh chăm sóc cho tôi cho đến khi tôi đủ lớn, tôi sẽ cứu anh thoát khỏi những điều khủng khiếp sắp xảy ra”. Manu hỏi điều khủng khiếp ấy là gì. Cá nói với Manu rằng một trận lũ lớn sẽ sớm đến và hủy diệt mọi thứ trên Trái đất. Cá bảo Manu hãy bỏ nó vào trong một cái bình bằng đất nung. Cá lớn dần lên và mỗi khi nó lớn quá, Manu lại dành cho nó một cái bình mới lớn hơn. Cuối cùng con cá đã trở thành một ghasha, một trong những loài cá lớn nhất thế giới. Con cá hướng dẫn Manu đóng một con tàu lớn bởi vì trận lụt sẽ xảy ra rất sớm. Khi những cơn mưa bắt đầu, Manu dùng dây thừng buộc tàu với con cá ghasha. Con cá đã hướng dẫn con tàu đi khi nước biển dâng tràn. Toàn bộ trái đất ngập tràn bởi nước. Khi nước bắt đầu rút dần, cá ghasha dẫn tàu của Manu đến một đỉnh núi.
Trung Quốc
Phục Hy được xem là ông tổ của dân tộc Trung Hoa. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia đã từng có một Trận Lụt lớn, toàn bộ Trái Đất chìm ngập trong biển nước, kể cả những ngọn núi cao. Tất cả mọi thứ đều bị quét sạch, không ai và không thứ gì sống sót. Tuy nhiên có một gia đình đã thoát được Đại hồng thủy nhờ một chiếc thuyền. Đó là Phục Hy cùng vợ, ba người con trai, và ba người con gái. Sau đó, ông và gia đình – những người duy nhất trong thiên hạ còn sống sót, đã sản sinh ra dân tộc Trung Hoa.
Châu Âu
Hy Lạp cổ đại
Xưa kia, trước khi thời đại hoàng kim kết thúc, con người đã rất suy đồi và ngạo mạn. Thần Zeus rất phiền muộn khi thấy họ càng ngày càng trở nên xấu xa hơn. Cuối cùng, Zeus quyết định rằng ông sẽ tiêu diệt tất cả loài người. Trước khi thần Zeus làm điều đó, thì thần Prometheus, vị đã sáng tạo ra loài người, cảnh báo đứa con trai tên là Deucalion và vợ anh ta Pyrrha, biết về tai họa kinh khủng sắp giáng xuống thế giới loài người. Sau đó thần Prometheus bèn đặt đôi vợ chồng vào trong một cái rương bằng gỗ lớn. Những cơn mưa bắt đầu trút xuống và kéo dài 9 ngày đêm cho đến khi toàn thế giới bị chìm trong biển nước. Thứ duy nhất không bị ngập lụt là 2 đỉnh núi Parnassus và đỉnh Olympus. Cái rương bằng gỗ trôi tới và nằm lại gần đỉnh núi Parnassus. Deucalion và vợ Pyrrha bước ra và thấy rằng mọi thứ đã bị ngập lụt. Họ sống nhờ vào thực phẩm dự trữ có trong cái rương, cho đến khi nước rút xuống. Nhờ được thần Zeus hướng dẫn, họ lại sinh sôi nảy nở loài người trên trái đất.
Châu Mỹ
Người Aztec
Ngày xưa có một người đàn ông tên là Tapi. Tapi là một người rất trọng đạo. Đấng Sáng Thế đã bảo Tapi đóng một con tàu làm nơi sinh sống bên trong. Đấng Sáng Thế còn bảo ông nên mang vợ, cùng với mọi loài động vật mỗi thứ một cặp đưa lên chiếc tàu này. Đương nhiên tất cả mọi người nghĩ rằng ông điên. Sau đó, cơn mưa bắt đầu và trận lũ đã đến. Con người và động vật đã cố gắng leo lên những ngọn núi, nhưng cả những ngọn núi ấy cũng bị ngập lụt. Cuối cùng mưa cũng tạnh. Tapi thả một con chim bồ câu, nhưng nó không trở về, cho nên ông biết là nước đã rút rồi.
Hoa Kỳ
Những người bản địa Ojibwe từng sinh sống ở Minnesota Hoa Kỳ cũng có một câu chuyện về sự Sáng Thế và Trận lụt, có nhiều nét hết sức giống với nội dung của cuốn Bible.
“Từng có một thời kỳ, khi ấy cuộc sống đã không còn hòa hợp nữa. Đàn ông và phụ nữ không biết tôn trọng lẫn nhau, các gia đình cãi cọ nhau, và chẳng mấy chốc mọi người đều đấu đá với nhau. Điều đó làm Đấng Sáng Thế là Gitchie Manido rất phiền lòng, nhưng ông kiên nhẫn chờ đợi… Cuối cùng, khi tình hình tỏ ra không còn chút hy vọng nào nữa, Đấng Sáng Thế đã quyết định thanh tẩy Mẹ Trái đất bằng cách dùng nước. Nước lụt đã đến, làm ngập tràn trái đất, quét sạch tất cả mọi thứ. Chỉ còn một vài sinh vật của mỗi giống loài là còn sống sót”.
Sau đó, câu chuyện kể rằng Waynaboozhoo đã sống sót bằng cách trôi nổi trên một “khối gỗ” lớn trong nước cùng với nhiều loài động vật khác nhau.
Người Inca
Trong suốt thời kỳ Pachachama con người đã trở nên rất xấu xa. Họ mải mê phát minh ra và làm nhiều điều tội lỗi, và bỏ quên các vị thần. Chỉ có những người trong dãy núi Andes cao kia là vẫn không biến chất. Hai anh em sống trên vùng cao nguyên ấy nhận thấy những con lạc đà không bướu của họ có nhiều hành vi lạ thường. Họ hỏi bầy lạc đà tại sao lại thế, và chúng nói là các ngôi sao đã bảo với chúng rằng, một Trận lụt lớn đang tới. Trận Lụt này sẽ tiêu diệt tất cả sự sống trên trái đất. 2 anh em đưa gia đình và các bầy vật nuôi của họ vào một hang động trên núi cao. Trời bắt đầu mưa và mưa mãi liên tục trong bốn tháng. Cuối cùng mưa đã ngừng lại và nước rút đi. Họ đã sinh sôi phục hồi dân cư trên trái đất. Đám lạc đà không bướu nhớ mãi Trận Lụt ấy, và đó là lý do tại sao chúng thích sống ở các vùng cao nguyên.
Mexico
Những thổ dân Toltec bản địa có một truyền thuyết nói rằng Trái đất đã từng bị hủy diệt bởi một trận lụt cực lớn và chỉ có một gia đình sống sót.
Châu Úc
Đơn cử câu chuyện của một bộ lạc thổ dân miền Tây nước Úc.
Vào thời hết sức xa xưa, có một người đàn ông tên là Gajara sống cùng vợ và những người con trai, con dâu của ông.
Một ngày nọ, có đám trẻ hành hạ và ngược đãi một con cú tên là Dumbi. Sau khi thoát được Dumbi báo việc đó với Ngadja, Đấng Tối Cao. Ngadja rất đau lòng.
Ông chỉ thị cho Gajara, “Nếu ngươi muốn sống, hãy mang vợ, con trai và con dâu của ngươi theo và làm một cái bè thật lớn. Bởi vì vụ việc Dumbi, ta dự định sẽ làm cho cả loài người chết đuối. Ta sẽ làm mưa và lụt biển”, ông bảo họ. “Hãy đem lên bè những thứ đồ ăn giữ được lâu ngày, những thực phẩm như là gumi, banimba, và ngalindaja, tất cả những thực phẩm trên mặt đất ấy”.
Thế là Gajara đã trữ tất cả những thực phẩm này. Ông cũng tập trung đủ giống chim trời như chim cu, chim ăn tầm gửi, chim cầu vồng, chim mào và chim sẻ. Ông đưa chúng lên bè, và cả một con kangaroo cái nữa. Gajara tập hợp các con trai làm người điều khiển bè, và cả vợ và con trai, con dâu nữa.
Sau đó Ngadja giáng mây mưa xuống, những đám mây bao trùm khắp bầu trời. Trận lụt biển đến từ phía bắc-đông bắc, và con người đã bị chộp lấy trong cơn lũ lụt của biển cả. Ngadja làm nước lũ cuộn trào và lòng đất mở ra, san bằng tất cả và làm mọi sinh vật chết đuối. Trong khi đó, dòng nước đưa tất cả những người trên bè cùng với Gajara đi thật xa, tới nơi có tên là Dulugun.
Cuối cùng, dòng nước cũng mang Gajara trở lại. Ông đã thả vài chú chim ra, trong đó có một con chim cúc cu. Con chim cúc cu đã tìm thấy đất liền và không quay trở lại nữa. Nước đang rút xuống dần dần.Sau đó, các loài chim khác trở lại với Gajara và ngày hôm sau ông lại thả chúng ra. Đất đã khô ráo và các sinh vật sống đã tìm thấy nhà và thực phẩm cho chúng.
(nhận xét những chỗ in đậm nghiêng):
Ở các phiên bản khác: do con người tha hóa suy đồi về đạo đức nên bị trừng phạt – hợp lý, còn ở phiên bản này con cú bị vài trẻ em ngược đãi dẫn đến cả loài người bị phạt – không hợp lý lắm. Có lẽ những người đời sau chỉ còn biết đến sự kiện Hồng Thủy qua lời truyền miệng, còn nguyên nhân căn bản là sự suy đồi đạo đức thì họ không hiểu nên chi tiết này dần bị lạc đi. Đoạn nói về việc thả chim: thứ tự thả chim và chi tiết con chim quay trở về bị đảo ngược. Đó là do những người thời sau không còn hiểu việc thả chim có mục đích là để dò xem nước đã rút hay chưa, cho nên chi tiết đó đã càng ngày càng bị lệch đi. Do truyền miệng quá lâu đời và sự thêm thắt của người kể chuyện nên phiên bản này tuy còn giữ được nhiều chi tiết nguyên thủy, nhưng độ chính xác của chi tiết đã kém đi so với các phiên bản Đại hồng thủy khác).