“Quân quyền Thần thụ” nghĩa là người lên làm vua là do mệnh trời quyết định, cho nên bất cứ một triều đại nào muốn lên ngôi đều phải được công nhận là chính thống thì mới lâu dài được.
Tuy nhiên, nhà Mạc (1527-1677) trong lịch sử lại là một ví dụ khá đặc biệt khi đã đường hoàng đánh bại hết các đối thủ chính trị và đăng quang cai trị gần 150 năm (trong đó có 66 năm ngự ở Thăng Long với 5 đời vua) mà vẫn bị lên án và xem là ngụy triều. Trong đó Mạc Thái Tổ Đăng Dung lại bị các sử gia thời sau chê trách rất nhiều.
Mạc Đăng Dung lên ngôi, mở ra triều đại kéo dài hơn trăm năm không kém một triều đại nào trong lịch sử Việt Nam, vậy thì vì lẽ gì mà lại bị chê bai như thế, liệu những điều đó có xác đáng hay không? Chúng ta sẽ cùng xem lại hành trạng của vị vua lắm tài nhiều tiếng này.
Hàn vi làm nên đại nghiệp, sánh với Đinh Tiên Hoàng Đế
Mạc Thái Tổ (1483-1541) tên thật là Mạc Đăng Dung, là hoàng đế sáng lập ra triều đại nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam. Ông là người đã đánh dẹp các thế lực cát cứ chống đối triều đình, loại bỏ ảnh hưởng của những người ủng hộ nhà Lê, thành lập nhà Mạc.
Cuộc đời ông có nét giống với Đinh Tiên Hoàng và Khai tổ nhà Trần vì ông xuất thân hàn vi, là một người đánh cá (nhà Trần xuất thân cũng từ nghề đánh cá), gia đình ba đời không có ai thi cử đỗ đạt nhưng nhờ võ công cao cường ông đã thi đỗ võ trạng nguyên dưới triều Lê Uy Mục. Đây cũng là bước khởi đầu cho sự nghiệp của ông, từ chức võ quan cấp thấp Mạc Đăng Dung đã vươn tới tột bậc quyền lực vào năm 1527 khi được thăng tới chức Thái sư, tước An Hưng vương thời Lê Cung Hoàng. Sau khi dẹp hết các thế lực cát cứ và chống đối, ông đã trở thành Khai quốc Hoàng đế của nhà Mạc.
Số mệnh của ông đã được định làm vua nước Nam. Tương truyền tại bến đò trước khi lên đường đi thi Võ trạng nguyên, Nhữ Thị Thục, một nhà tướng số nổi tiếng đồng thời là mẹ của Trạng Trình đã biết trước rằng Mạc Đăng Dung sẽ trở thành vua:
“Thấy ông lão lái đò rạp mình khúm núm khi bước qua mặt người phụ nữ, Đăng Dung biết đó không phải là người bình thường. Tiễn anh em Đăng Dung lên tận bờ đê, ông lão nói: “Đấy là nhà chị Thục, con gái quan Nhữ Thượng thư”. Nhữ Thị Thục, con quan Hộ bộ Thượng thư Nhữ Văn Lan, tiếng nghe đã lâu bây giờ mới giáp mặt – Đăng Dung nghĩ – Thảo nào kiêu kỳ thế không biết!”.
Nhữ nương quả thật là người kiêu kỳ. Nhưng đó là với người khác, vào lúc khác, bởi lúc này đây nàng đã mất hết sự tự chủ. Chờ ông lái đò trở lại, Nhữ nương hỏi lúc nãy trên đò là ai. Nghe ông lão nói, nàng bảo: “Ông không biết đâu, tướng người ấy là tướng quân vương!”.
Nhữ nương ngẩn ngơ nhìn theo bóng Mạc Đăng Dung mãi, khiến ông lái đò không khỏi cười thầm trong bụng: Phải lòng mất rồi chị chàng ơi! Chả nhẽ tiếc vì đã có chồng, không thì sẽ lấy người ta hay sao? Đến gấp đôi tuổi người ta chứ ít à? Thảo nào cứ nghe thiên hạ nói chị ta lắm lúc như người cuồng!” (trích truyện Mạc Đăng Dung của Lưu Văn Khuê).
Mệnh trời đã định ngôi Thiên Tử rơi vào ai thì người ấy được, ý người có muốn thay đổi cũng không được, kể cả hoàng đế đương quyền. Sử chép:
“Năm 1511, Đăng Dung được thăng làm Vũ Xuyên bá, bây giờ các thuật sĩ, hào kiệt nói với vua rằng phương đông có sắc khí thiên tử. Vua Lê Tương Dực sai đại thần Nguyễn Văn Lang đem thuật sĩ ra Đồ Sơn, Hải Phòng, tức quê của Mạc Đăng Dung trấn yểm. Đăng Dung đi trong chuyến đó mà không ai biết”.
Định Nam Đao – Võ công đệ nhất nước Nam
Ở Mạc Đăng Dung có rất nhiều điểm giống với các vị hoàng đế khai quốc danh tiếng của các triều đại lớn. Ngoài Lý Thái Tổ, đệ nhất ngoại môn đệ tử của Phật gia ra thì Mạc Đăng Dung chính là vị hoàng đế hiếm hoi mang một thân võ công kinh nhân, đạt giải võ trạng nguyên. Ngoài ra ông còn giống một vị vua khác là Lưu Bị thời Tam Quốc ở điểm có hai huynh đệ mưu trí và võ công cao cường cùng phò anh mình làm nên đế nghiệp. Đó chính là Mạc Đốc và Mạc Quyết, cả hai sau này đều trở thành tướng lãnh trụ cột của nhà Mạc.
Cuộc đời binh nghiệp hiển hách của Mạc Đăng Dung dần trở nên sáng tỏ khi hậu thế phát hiện ra thanh đao trứ danh, vũ khí tùy thân của ông, gọi là Định Nam Đao, một thanh đao nguyên vẹn của hoàng đế hiếm hoi còn lại trên thế giới.
Theo câu chuyện lưu truyền trong dân gian, một người thợ rèn bí ẩn thấy tướng mạo khác thường của chàng trai Mạc Đăng Dung, làm nên nghiệp lớn không phải bằng con đường kinh sử mà là võ học. Chính vì vậy, người thợ đã rèn thanh long đao như một lời nhắn ngầm Mạc Đăng Dung sẽ thành thiên tử từ chính binh khí này. Sau khi rèn xong, ông để lại cây long đao kèm với một bài kệ đại ý là: “ Cơ nghiệp sẽ dựng nên từ đây, cây đao này chỉ dành cho người có duyên, dùng nó sẽ làm nên đại sự ”.
Mạc Đăng Dung đã dùng thanh đao này khởi đầu binh nghiệp bằng cuộc thi Võ Trạng Nguyên với ngôi đầu.
“Trong số các lực sĩ trúng tuyển thì những người xuất sắc gọi là Đô lực sĩ xuất thân, ngang hàng như Đồng tiến sĩ xuất thân bên văn chương, trong đó đỗ đầu là Đô đầu Đại lực sĩ, ba người tiếp theo là Đại lực sĩ, cũng vinh hạnh như các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp bên văn khoa.
Từ khi gặp Lê Bá Ly và Nguyễn Bỉnh Đức, anh em Mạc Đăng Dung quyết tâm luyện tập. Đăng Dung thuê thợ rèn tạo cho mình chiếc đao nặng hơn 42 cân (*), Mạc Đốc thanh kích, Mạc Quyết ngọn thương ” (trích truyện Mạc Đăng Dung).
Tại khu tưởng niệm nhà Mạc ở Hải Phòng hiện thờ thanh đao ngày xưa của Mạc Đăng Dung, dài 2,5m, nặng 25,5 kg (với trọng lượng tính theo cân ta, 1 cân = 0,605 kg). Cần phải biết thanh đao của Ngô Tam Quế đời Thanh (Trung Quốc), một danh tướng rất khoẻ, hiện thờ ở Kim Điện, Côn Minh, tỉnh Vân Nam, chỉ nặng 13 kg. Thanh Long Yển Nguyệt Đao của Quan Vũ nổi danh lịch sử cũng chỉ nặng hơn 18 kg.
Nghĩa là võ công của Mạc Đăng Dung đã đạt đến đỉnh cao với nội lực thâm hậu hiếm có, ông quả là xứng danh hào kiệt số 1 Việt Nam thời đó vậy.
Bình định thiên hạ – Cả nước theo về – Lên ngôi Thiên tử
Một vị hoàng đế trong quá trình gây dựng sự nghiệp, muốn thu được lòng dân tất phải có nhiều công lao trong việc chỉnh đốn triều cương, dẹp loạn và nội trị. Trong sự nghiệp của mình, Mạc Đăng Dung đã xuất sắc hoàn thành những việc ấy, đến nay còn ghi trong sử:
Đầu tiên là chỉnh đốn triều cương, giết những quan lại tha hóa và những tà đạo nhiễu loạn nhân gian:
“Thời ấy có Trần Khắc Xương mượn đạo Thiên vũ, Thiên bồng mê hoặc dân, Mạc Đăng Dung dâng sớ xin trị tội, lại hạch một số viên quan mê tín tà thuyết. Nhà vua nghe theo, giết những người ấy. Thiệu quốc công Lê Quảng Độ hàng phe nổi dậy Trần Cảo, Mạc Đăng Dung cũng dâng sớ khuyên nhà vua đem chém vì tội bất trung, vua cũng nghe theo. Từ đấy, nhà vua tin Mạc Đăng Dung là người trung trực, càng thêm ân sủng”.
Kế đến là chỉnh đốn binh mã, giúp vua dẹp yên quần hùng để thâu tóm binh quyền vào tay:
“Năm 1518, Mạc Đăng Dung được thăng làm Vũ Xuyên hầu, ra trấn thủ Hải Dương. Tại đây Đăng Dung thu thập hương binh, chỉnh đốn quân ngũ, quân số ngày càng đông.
Tháng 7 năm 1519, Mạc Đăng Dung thống lĩnh các quân thuỷ bộ vây Lê Do ở Từ Liêm, rồi phá đê cho nước vỡ vào quân Lê Do. Do và Nguyễn Sư chạy đến Ninh Sơn, bị Đăng Dung bắt được, giải về giết chết. Trịnh Tuy bỏ chạy về Thanh Hoá. Các tướng Sơn Tây là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Hoàng Duy Nhạc đều xin hàng Mạc Đăng Dung. Chiêu Tông phong Mạc Đăng Dung làm Minh quận công. Ông một mình nhân cầm quân dẹp loạn mà từ đó nắm hết quyền bính, vua hồi Kinh sư, việc thiên hạ tạm yên ”.
Tiếp đó khi thế lực đã mạnh, chính là quét sạch tứ phương để lên ngôi Thiên tử:
“Năm 1520, Đăng Dung được vua sai làm Tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh, lấy Phạm Gia Mô làm tán lý quân vụ. Năm sau, lại được phong làm Nhân quốc công, tiết chế các doanh quân thủy bộ 13 đạo, tháng 7 lại gia phong Đăng Dung làm Thái phó.
Năm 1522, Lê Bá Hiếu nổi dậy chống triều đình ở vùng Đông Ngàn, Gia Lâm. Mạc Đăng Dung lại mang quân đi đánh dẹp được. Mạc Đăng Dung lập nhiều công lớn, dẹp được nhiều lực lượng chống đối triều đình nên quyền lực của ông càng lớn. Sử gia Lê Quý Đôn viết rằng: “Công danh ngày càng thịnh, triều đình ai cũng phục”.
Năm 1524, Mạc Đăng Dung nắm chức Bình Chương quân quốc trọng sự, Thái phó, tước Nhân quốc công. Sau đó Mạc Đăng Dung tiếp tục đánh dẹp các lực lượng trung thành với Lê Chiêu Tông do các tướng Giang Văn Dụ, Hà Phi Chuẩn đứng đầu.
Ông tiêu diệt các tướng chống đối. Các lực lượng chống đối đều bị dẹp, mọi quyền lực đều thuộc về Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung lui về Cổ Trai nhưng vẫn chế ngự triều chính.
Tháng 4 năm 1527, Lê Cung Hoàng sai đình thần cầm cờ tiết đem kim sách, áo mão thêu rồng đen, đai dát ngọc, kiệu tía, quạt vẽ, lọng tía đến Cổ Trai, tấn phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng vương, gia thêm cửu tích. Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai trở lại kinh đô ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi. Sử gia Lê Quý Đôn chép: “Lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón về kinh đô. Mạc Đăng Dung lên ngôi, tức là vua Mạc Thái Tổ. Ông chính thức lập ra nhà Mạc”.
Trái với những lời nhận xét mang tính hạ thấp của sử cũ luôn cho rằng ông là người thoán nghịch, là ngụy triều, chúng ta thấy rất rõ rằng Mạc Đăng Dung chính là một vị vua chân chính đã hoàn thành sự nghiệp bằng chính tài thao lược và trí dũng vô song của mình. Ông chính là anh hùng lập thân thời loạn như Đinh Tiên Hoàng, một võ tướng tài năng và một chính khách vô cùng khôn ngoan biết thu phục nhân tâm.
Trong số các đối thủ chính trị từ cao nhất là vua Lê vốn nổi tiếng bất tài cho đến các quân phiệt như Trần Cảo, Trần Cung, Trần Tuân, Trần Chân, Nguyễn Hoằng Dụ, Trịnh Duy Sản, Trịnh Tuy,… không ai có đủ tài năng và uy tín hơn Đăng Dung. Ông lên ngôi ngay lúc đường đường chính chính tiêu diệt kẻ thù và được thiên hạ theo về, vậy cớ gì lại nói triều đại của ông là ngụy triều?
Đức sáng thu nhân tâm – Dùng người không nghi ngờ
Vốn xuất thân hàn vi lại ít học nhưng Mạc Đăng Dung vẫn lập nên công nghiệp hiển hách với sự phò tá của rất nhiều tướng lĩnh và văn thần nổi tiếng. Trong bối cảnh triều Lê thống trị với rễ sâu gốc dày mà ông vẫn lập được triều đại của mình và cai trị ổn định suốt thời gian dài, đó chính là bản lĩnh chân chính của chàng ngư phủ họ Mạc này.
Mạc Đăng Dung còn được các sử gia sau này đánh giá cao ở cách đối nhân xử thế. Khi Mạc Đăng Dung phế bỏ nhà Lê Sơ để lên ngôi, ông đã không thi hành một cuộc tàn sát hay tắm máu nào đối với con cháu nhà Lê và những người trung thành với cựu triều như cách mà nhà Lý, Trần, Hồ đã làm khi chiếm ngôi báu.
Mạc Đăng Dung cũng không xâm phạm hay tàn phá các di tích kiến trúc của nhà Lê Sơ, mà còn cho tu bổ lại các công trình như nhà Quốc Tử Giám ở Thăng Long và lăng mộ các đời vua Lê tại Lam Kinh (Thanh Hóa). Đây cũng được coi là việc làm hiếm thấy trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, bởi triều đại mới lên thường xóa bỏ hay phá hủy những gì được coi là “tàn tích” của triều đại cũ bất kể nó có giá trị hay không.
Ngoài đó ra thì điểm “đặc biệt” nổi bật nhất trong hành trạng của Mạc Đăng Dung là khả năng dùng người và trọng đãi nhân tài của ông. Một bộ phận lớn quan lại, đại thần của triều cũ (Lê Sơ) vẫn được tin dùng và trao giữ những chức vụ quan trọng dưới triều Mạc. Có lẽ cách hành xử linh hoạt, cởi mở như vậy là do ông xuất thân ở vùng biển nơi cư dân có cái nhìn thực tế, hướng ngoại và ít bị ràng buộc bởi những tư tưởng bảo thủ truyền thống như những cư dân trong nội địa vốn chủ yếu sống bằng nông nghiệp vào thời đó.
Sách“Vũ trung tùy bút” của tác giả Phạm Đình Hổ thời Lê Trung Hưng đã viết: “Cái đức chính của thời Minh Đức (niên hiệu của Mạc Thái Tổ) và Đại Chính (niên hiệu của Mạc Thái Tông) nhà Mạc vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên. Vậy nên thời vận đã về nhà Lê mà lòng người hướng theo nhà Mạc vẫn chưa hết…”.
Tích xưa còn lưu câu nói nổi tiếng của Tào Tháo, một trong những lãnh đạo dùng người giỏi nhất thời Tam Quốc: “Đã dùng thì phải tin, nếu không tin thì đừng dùng”. Câu nói này thể hiện thuật dùng người của Mạc Đăng Dung, yếu tố đem lại sự thành công trong đại nghiệp của ông. Một vị hoàng đế như vậy thiết nghĩ cũng là khó thấy trong lịch sử nước nhà vậy.
Ngộ biến tùng quyền – Đại nhẫn thành tội nhân
Tuy là vị hoàng đế nổi tiếng với nhân cách và tài năng, nhưng dường như “trời ganh ghét người tài” nên ông lại là vị hoàng đế phải hứng chịu những lời chê bai nặng nề nhất từ các sử gia thời sau. Phổ biến nhất chính là chê bai ông là kẻ hèn nhát, bán nước và cướp ngôi.
Trong số những nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại, học giả nổi tiếng cả về Cựu học và Tân học Trần Trọng Kim có lẽ là người chỉ trích Mạc Đăng Dung kịch liệt hơn cả:
“Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp ngôi, ấy là người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cửi trần ra trói mình lại, đi đến quỳ lậy trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ. Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm; một người như thế ai mà kính phục? Cho nên dẫu có lấy được giang sơn nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh vực mặc lòng, một cơ nghiệp dựng nên bởi sự gian ác hèn hạ như thế thì không bao giờ bền chặt được. Cũng vì cớ ấy mà con cháu họ Lê lại trung hưng lên được…” (Trích trong Việt Nam Sử Lược).
Chúng ta hãy xem xét từng trường hợp để xem những lời nhận xét trên có đúng hay không?
Đầu tiên, Mạc Đăng Dung không phải kẻ cướp ngôi, ông chính là anh hùng lập thân thời loạn, bằng võ công và mưu lược của bản thân mà làm nên đại sự. So với Tào Tháo, Đinh Tiên Hoàng thì không hề hổ thẹn. Đối thủ của ông là vua Lê nhu nhược bất tài, hào kiệt các nơi nổi lên như ong làm cho thiên hạ đại loạn. Ông đánh bại hết tất cả trên sa trường mà lên ngôi, sao lại nói là cướp ngôi? Chẳng phải ngai vàng trong lịch sử đều chuyển từ hôn quân triều đại cũ sang minh quân triều mới là gì? Nếu ông là thoán nghịch thì Lý, Trần, Hồ, cho đến Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh chẳng phải cũng vậy hay sao?
Thứ hai là về việc cắt đất cầu hòa với nhà Minh. Điều này được ghi lại từ bộ “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” ra mắt vào thời Lê Trung Hưng, kẻ thù không đội trời chung với nhà Mạc nên có nhiều xuyên tạc và luận cứ sai lầm.
Hiện nay nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu rất kỹ về vấn đề này và đã có những suy luận hết sức thuyết phục.
Nhà nghiên cứu Huệ Thiên trong bài viết “Mạc Đăng Dung có dâng đất cho nhà Minh hay không?”:
“Bằng quan điểm chính thống đến mức cực đoan, Phạm Công Trứ không những đã kịch liệt lên án hành động “tiếm ngôi” của Mạc Đăng Dung mà còn không ngần ngại dùng cả thủ đoạn xuyên tạc sự thật để bôi nhọ nhân vật đã sáng lập ra nhà Mạc nữa. Chứng cứ về sự xuyên tạc đó là đã hai lần ĐVSKTT chép việc Mạc Đăng Dung dâng đất cho nhà Minh.
Lần đầu tiên bộ sử này ghi: “Năm Mậu Tí (1528) Mạc tiếm hiệu Minh Đức thứ 2 (…) Đăng Dung sai người sang Yên Kinh báo với nhà Minh rằng là họ Mạc tạm trông coi việc nước, cai trị dân chúng. Nhà Minh không tin (…) Đăng Dung sợ nhà Minh đem quân sang hỏi tội, bèn lập mưu cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy, Thuận và hai hình người bằng vàng bạc cũng là châu báu của lạ, vật lạ, nhà Minh thu nhận. Từ đấy Nam Bắc lại thông sứ đi lại” (ĐVSKTT, Tập IV – trang 121- 122).
Việc ghi chép này hoàn toàn sai sự thật. Quy, Thuận chính là Châu Quy Hoá và Châu Thuận An. Hai châu này thuộc về Trung Hoa vào thời nhà Tống từ những năm 60 của thế kỷ XI.
… Lần thứ hai mà ĐVSKTT ghi chép về việc “dâng đất” của Mạc Đăng Dung là như sau:
“Canh Tí (1540) Mạc Đại Chính năm thứ 11 (…) mùa đông, tháng 11, Mạc Đăng Dung (…) dâng tờ biểu xin hàng, biên hết đất đai, quân dân quan chức trong nước để xin xử phân, nộp các động Tê Phù, Lim Lạc, Cổ Sâm, Liêu Cát, An Lương, La Phù của Châu Vĩnh An trấn Yên Quảng xin cho nội thuộc, lệ vào Khâm Châu…” (ĐVSKTT, tập IV, trang 131-132).
Đây là tư liệu chính mà các sách lịch sử về sau của ta luôn nhắc đến để kết tội Mạc Đăng Dung. Trước hết cần nói rõ là số lượng và tên gọi các động ghi trong các sách có chỗ đại đồng tiểu dị. Chẳng hạn Lê Thành Khôi thì căn cứ vào ĐVSKTT mà chép là 6 động, nhưng lại ghi Cổ Sâm thành Cổ Xung (Le Viet Nam Histore etcin lisation, Leseditions deminuít, Paris, 1955, P.263); Trần Trọng Kim chỉ chép 5 động – không có An Lương (Việt Nam), Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Phan Quang và Nguyễn Cảnh Minh thì ghi 5 động là: Tư Lẫm, Kim Lạc, Cổ Sâm, Liêu Cát và La Phù (sđd-92, tập 1, Hà Nội, 1971, trang 75).
Thực ra, sự việc chỉ liên quan đến 4 động là Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù và có chăng thì chỉ việc Mạc Đăng Dung trả đất chứ không hề có việc Mạc Đăng Dung dâng đất của Đại Việt cho nhà Minh. Sự thực bốn động nêu trên đều thuộc trấn Như Tích vốn là đất Trung Hoa ít nhất từ đời Tống. Trấn này nằm cách Khâm Châu (Quảng Đông) 160 dặm về phía Tây và cách Châu Vĩnh An của Đại Việt 20 dặm. Đây là một vùng núi cao, địa thế hiểm trở. Đầu đời Tống các động này đã đặt các chức động trưởng để trông coi và sang đời Minh, niên hiệu Hồng Vũ năm đầu (1368), vua Minh lại đặt chức Tuần Ti ở Như Tích để thống lĩnh các động này một cách chặt chẽ hơn. Như đã trình bày về hai châu Quy, Thuận, các động trưởng dọc biên giới Việt – Trung thường tuỳ theo tình hình thực tế mà thay đổi thái độ thần phục đối với Trung Hoa hoặc Đại Việt.
… Vậy là ngay một số ghi chép trong ĐVSKTT như đã trích dẫn trên cũng đủ cho thấy hoàn toàn không có chuyện Mạc Đăng Dung cắt đất của Đại Việt để dâng cho nhà Minh. Có chăng chỉ là các sử thần Lê-Trịnh vì mục đích chính trị đã xuyên tạc sự thật lịch sử để hạ nhục nhà Mạc mà thôi”.
Điều cuối cùng chính là việc các sử gia phê phán ông hèn nhát cầu hòa, trói mình đầu hàng nhà Minh. Chuyện phê phán này khởi đầu từ nhà Lê Trung Hưng (tử thù nhà Mạc) và sau này càng trở thành cực đoan khi vào thế kỷ 19 và 20 Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, nên các sử gia thời sau khi viết về những “tội nhân” liên quan đến việc đầu hàng hay cầu hòa như Mạc Đăng Dung đều mạt sát không tiếc tay. Đó cũng là phản ánh tâm thái dân tộc nhược tiểu, bị uất ức và ám ảnh của việc vong quốc nên phản ứng cực đoan với những gì mà họ cho là thể hiện sự hèn kém. Tất cả tâm thái đó chỉ để thỏa mãn cái lòng tự tôn dân tộc đang bị giày xéo trong thời đại đó mà thôi.
Nhưng chính trị không phải là trò chơi, một nhà lãnh đạo nếu không biết cân nhắc lợi hại của dân tộc mà mù quáng chạy theo thứ hào nhoáng như tự tôn dân tộc hay nóng giận nhất thời thì cả dân tộc sẽ bị hủy diệt. Mạc Đăng Dung chính là một lãnh tụ cực kỳ khôn ngoan và thận trọng, hơn nữa lại luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên gia tộc và danh dự bản thân. Những quyết định của ông “có vẻ” như mềm yếu và nhu nhược nhưng thực tế lại chính là quyết định sáng suốt nhất mà ông từng làm. Dân tộc Việt Nam quả thật may mắn có ông làm vua vào thời gian đó.
Vì sao nói như vậy?
Vì người làm đại sự không tính tiểu tiết mà chính là nhắm vào hiệu quả thực tế và lâu dài. Trên thực tế, điều cầu hòa và cắt đất mà ông làm (dù có hay không) đã ngăn không cho nhà Minh đem quân vào Đại Việt. Kể từ sau khi ông mất thì cháu ông, Mạc Phúc Hải vẫn là người có toàn quyền tối cao điều hành đất nước từ địa phận Ninh Bình ngày nay trở ra và không có một ông quan nào của nhà Minh trên nước Việt Nam như kiểu Đạt Lỗ Hoa Xích thời Trần. Dân tộc này cần một đất nước độc lập trên thực tế chứ không phải trên giấy tờ.
Về sự kiện này, GS. Trần Quốc Vượng cho rằng:
“Hành động “đầu hàng” của nhà Mạc do Minh sử chép là một sự phóng đại để khoe khoang, hành động ấy vua Lê sau này cũng lặp lại gần nguyên xi thì lại không bị sử gia nhà Lê nêu lên để phê phán. Đó (việc làm của vua Mạc) chẳng qua là một hành động “tượng trưng” (quàng dây lụa vào cổ, không phải là tự trói), một sự “nhún mình” (cũng có thể nói là hơi quá đáng) của một nước nhỏ đối với nước lớn trong điều kiện tương quan chính trị ngày xưa (và nên nhớ lúc ấy Mạc Đăng Dung đã thôi ngôi được 10 năm rồi và là một ông già sắp chết (từ Nam quan trở về được mấy tháng thì ông qua đời), ông già này gánh nhục cho con, cho cháu và cho cả nước mà cứ bị mang tiếng mãi! Tất cả ứng xử của Mạc với Minh cũng chỉ nằm trong một chiến lược ngoại giao hằng xuyên của Việt nhỏ Hoa lớn “thần phục giả vờ, độc lập thực sự” (Vassalité fipe, Indépendance réelle). Mà thực sự ở thời Mạc không có bóng một tên xâm lược nào trên đất nước ta, quan bảo hộ, dù hình thức như chức “Đạt lỗ hoa xích” ở Thăng Long triều Trần cũng không. Thế tại sao người này thì khen là khôn khéo, người khác lại chê là hèn hạ?”.
Sử Trung Quốc đôi khi phóng đại thành tích của hoàng đế nước họ để thể hiện uy thế của Thiên triều, họ chỉ được cái cúi lạy của một ông già sắp chết và vài cái hang núi hoang vu vốn đã thuộc về họ mấy trăm năm mà ca tụng thành chiến công hiển hách. Đoàn quân do Tổng Đốc Tôn của nhà Thanh sau khi bị đánh sấp mặt tại Thăng Long mà Thanh sử vẫn ghi vào như một trong “thập đại võ công” của Càn Long.
Nhưng cái tuyệt vời nhất của nhà Mạc và Mạc Đăng Dung đã làm được, hơn tất cả các triều đại xưa nay của Việt Nam (nhưng không ai nói đến) chính là dám hy sinh cả danh dự, sỹ diện cá nhân hay dòng họ mình vì quyền lợi chung của dân tộc cũng như đại cục quốc gia.
Một thực tế lịch sử mà ngay cả các sử gia thời Lê-Trịnh, Nguyễn sau này phải thừa nhận rằng con cháu nhà Mạc từ sau năm 1592 cho đến khi để mất hẳn đất Cao Bằng về tay nhà Lê Trung Hưng, chưa bao giờ có ý đồ mượn sức mạnh quân sự của nhà Minh hay nhà Thanh để chống lại quân Lê-Trịnh-Nguyễn trên bờ cõi đất Việt (dù phải mượn sức mạnh/ảnh hưởng chính trị từ thiên triều phương Bắc trong việc đối phó với sức ép quân đội Lê-Trịnh).
Lời di chúc nổi tiếng của thân vương Mạc Ngọc Liễn có thể xem là bằng chứng lịch sử đáng tin nhất cho chiến lược tồn vong của nhà Mạc: quyền lợi dòng họ – gia tộc là quan trọng nhưng vẫn phải đặt sau địa vị tối cao của quyền lợi quốc gia – dân tộc.
“Tháng 7 năm 1594, Mạc Ngọc Liễn ốm nặng, khi sắp mất ông để thư lại dặn vua Mạc Kính Cung như sau:
“Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại trung hưng, đó là số trời. Dân ta là người vô tội mà khiến để phải mắc nạn binh đao, ai nỡ lòng nào! Chúng ta nên lánh ra ở nước khác, nuôi dưỡng uy lực, chịu khuất đợi thời, chờ khi nào mệnh trời trở lại mới làm được, chứ không thể lấy lực chọi với lực. Khi hai con hổ tranh nhau, tất phải có một con bị thương, không có ích gì cho công việc. Nếu thấy quân họ đến đây thì chúng ta nên tránh đi, chớ có đánh nhau với họ, cốt phòng thủ cẩn thận là chính; lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng”.
Ông mất ngày 2 tháng 7 âm lịch năm đó. Sau khi ông qua đời, con ông là phò mã Đông Sơn hầu chạy sang Long châu, theo Mạc Kính Cung tiếp tục chống chính quyền Lê-Trịnh. Mạc Kính Cung và các vua Mạc sau tiếp tục làm theo lời dặn của ông, tranh thủ sự ủng hộ của nhà Minh để cát cứ ở đất Cao Bằng nhưng tuyệt nhiên không mượn quân Minh sang đánh nhà Hậu Lê”.
Trăm năm bia đá thì mòn – Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
Thế kỷ 16 là một thế kỷ đầy biến động của các quốc gia châu Á, nên những nhà lãnh đạo nắm quyền vào thời kỳ này sẽ phải đối đầu với nhiều khó khăn nan giải mang tính thời đại.
Mặc cho những lời khen chê và bôi nhọ, Mạc Đăng Dung đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình ở cương vị là khai quốc hoàng đế nhà Mạc, bảo vệ cho quốc gia toàn vẹn trước nguy cơ xâm lăng với cái giá rẻ nhất – uy tín và danh dự của chính ông – một vị vua và một võ sĩ chân chính. Cần có dũng khí để chiến đấu với kẻ thù, nhưng cần cái Dũng vĩ đại hơn nghìn lần cái Dũng đó để chịu nhục cho bản thân mà bảo toàn cho nước nhà. Đó là cái Dũng của Thánh Nhân vậy.
Những kẻ khác như Hồ Quý Ly trả cái giá đắt hơn nghìn lần, lại có cả những kẻ chủ động rước quân Minh về giúp tiêu diệt đối thủ như Lê Trang Tông lại chẳng có lời chê.
Trong khi nhà Trần lấy ngôi bằng hôn nhân toan tính, nhà tiền Lê nối ngôi từ sự tư thông với hoàng hậu lúc vua mới còn thơ thì Mạc Đăng Dung đường hoàng đánh bại hết tất cả đối thủ mà lên ngôi khai vận triều đại mới. Nếu triều Mạc không được xem là chính thống thì có lẽ các triều đại còn lại cũng nên cảm thấy xấu hổ với danh hiệu chính thống của mình chăng?
Tuy vậy việc bôi nhọ Mạc Đăng Dung và nhà Mạc không phải hoàn toàn thuận lợi, vì nó vấp phải Nguyễn Bỉnh Khiêm, người luôn bảo vệ nhà Mạc. Một nhà trí thức lớn, một người tu hành đắc Đạo có thể nhìn thấu thịnh suy các triều đại hơn 500 năm sau chẳng lẽ mù quáng mà luôn bảo vệ nhà Mạc và luôn coi Mạc Thái Tổ như minh chủ hay sao?
Ông đã chứng tỏ quan điểm của mình suốt cuộc đời, cho đến lúc gần 50 tuổi vẫn nhất định không chịu đi thi, không chịu cộng tác với nhà Lê, không nhận bất cứ công việc gì của nhà Lê để cuối cùng chọn làm việc cho nhà Mạc.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực sự vui mừng, tin tưởng ở một xã hội thanh bình và thịnh trị do triều đại mới đem lại, hãy đọc những vầng thơ của ông để xem tâm thái của ông về nhà Mạc như thế nào:
“Mừng thấy thời vần đời mở trị
Thái bình thiên tử, thái bình dân”
Hay:
“Ba đời chúa được phúc tình cờ
Ơn nặng chưa từng báo tóc tơ”.
Thậm chí đến lúc ông 70 tuổi dù được về nghỉ ở quán Trung Tân, ông vẫn bày tỏ thái độ chung thuỷ với các vua Mạc:
“Xem lại tuổi đời ngoài bảy chục
Chỉ vì già yếu há quên vua”.
Một bậc tu hành đắc Đạo, không màng lợi danh đã viết ra những lời như thế, phải chăng cũng đến lúc chúng ta nên xem xét lại quan điểm của mình?
(Hết)