Đây là một câu chuyện có thật được ghi chép trong cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký” của học giả nổi tiếng Kỳ Hiểu Lam thời nhà Thanh (Trung Quốc).
Minh Thịnh là một viên quan huyện. Ngày nọ ông tiếp nhận một vụ án oan, muốn xử lại vụ án này, nhưng sợ đụng chạm đến quan trên. Trong số thuộc hạ của Minh Thịnh có người tên là Môn Đấu, người này có một người bạn có công năng đặc dị nhìn thấy trước tương lai. Thế là quan huyện Minh Thịnh bèn sai Môn Đấu tới gặp vị kia hỏi nên xử lý vụ án này như thế nào.
Môn Đấu tuân lệnh đến thỉnh mời. Vị kia nghe xong sự tình, liền trang trọng trả lời: “Minh Thịnh làm quan huyện thì cũng như cha mẹ của chúng dân trong huyện. Ông ấy nên xét xem dân chúng có bị hàm oan hay không chứ sao lại đi hỏi thượng cấp có vừa ý hay không. Chẳng lẽ ông ấy đã quên câu chuyện của Lý Vệ tiên sinh năm xưa rồi à?”
Môn Đấu trở về, bẩm báo lại đầu đuôi mọi sự. Quan huyện Minh Thịnh vừa nghe thì giật mình cả sợ, nhớ lại câu chuyện mà xưa kia Lý Vệ tiên sinh đã từng kể cho ông ta. Nhưng làm sao vị kia lại biết được tất cả những chuyện đó? Thật là thần kỳ!
Nhớ lại chuyện cũ, quan huyện Minh Thịnh giờ đây đã biết cần xử lý vụ án này ra sao.
Trước đây có lần Lý Vệ lên thuyền vượt sông. Để tiết kiệm chút tiền mọn, một hành khách đã tranh cãi đôi co với chủ thuyền về giá vé. Trong số người đi thuyền có một Đạo sỹ, thấy vậy thở dài nói: “Sắp chết đuối mà vẫn còn tranh cãi chỉ vì một chuyện tầm thường, thật là không đáng!”. Lý Vệ nghe không hiểu Đạo sỹ kia nói lời ấy là có ý gì.
Một lát sau, đột nhiên trên mặt sông nổi gió lớn. Vị hành khách kia bị gió thổi ngã xuống sông chết đuối. Lý Vệ bây giờ mới giật mình hiểu ra lúc nãy Đạo sỹ nói đến chuyện gì.
Gió càng ngày càng mạnh, con thuyền chòng chành muốn lật. Đạo sỹ bước chân theo trận đồ, không ngừng niệm thần chú. Cơn cuồng phong nhanh chóng dừng lại. Lý Vệ hướng về Đạo sỹ lạy ba lạy tạ ơn cứu mạng. Thế nhưng Đạo sỹ không nhận và nói: “Vừa rồi người kia chết đuối là vì mệnh của ông ta đến đó đã tận, tôi không thể cứu được. Ông là quý nhân, hôm nay gặp họa nhưng được giải cứu, cũng là trong mệnh đã định như vậy rồi, tôi không thể không cứu. Cho nên ông không cần cám ơn tôi”.
Lý Vệ nghe xong, thụ giáo được rất nhiều, lại bái tạ và nói: “Nghe ngài dạy bảo, từ đầu tới cuối tôi đều được lợi ích. Từ nay về sau cả đời tôi sẽ an phận mà thủ mệnh”.
Đạo sỹ nói, “Ông nói lời này không hoàn toàn đúng. Nếu một cá nhân đối với vinh nhục, thăng trầm, phú bần… đều không truy cầu thì người đó là đang an phận, tức là an mệnh, chính là thuận theo tự nhiên. Không an mệnh, tức là lừa gạt lẫn nhau, đấu đá với nhau, chuyện xấu gì cũng làm. Những việc như vậy tất thảy đều tạo nghiệp. Ví như Lý Lâm Phủ, Tần Cối, bọn họ nếu có thể thủ mệnh, thuận theo tự nhiên thì về sau đều được làm Tể Tướng, bởi số mệnh đã định như thế. Nhưng bọn họ năm đó chỉ vì tranh giành địa vị Tể Tướng mà loại trừ những người trái ý, dùng hết tâm kế để hãm hại trung lương, không biết rằng đường nào sau này đều được làm Tể Tướng. Họ như vậy chỉ làm gia tăng ác nghiệp bản thân mà thôi. Về phần quốc kế dân sinh lợi hay hại thế nào không thể nói là mệnh được; đối diện với trăm họ đang trong cảnh khốn cùng, oan ức, thì không thể để mặc như thế, nhưng cần phải tùy theo tự nhiên. Tất cả những người phụ trách thì đều phải chịu trách nhiệm. Gia Cát Khổng Minh từng nói: “Thần cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi, còn về việc thành hay bại, lợi hay không, thì thần không rõ, nhưng cũng có khả năng lường trước được!”. Chính là đạo lý ấy. Trời Đất dưỡng dục nên nhân tài, quốc gia thiết đặt vị trí cho các cấp quan lại, mục đích là để ích nước lợi dân. Thân là quan lại, nắm giữ quyền hành, mà bó tay ủy thác hết cho số mệnh, thì Trời Đất cần gì phải sinh ra những người tài như thế, quốc gia cần gì phải thiết lập quan lại như thế? Cao nhân thánh hiền cần phải hiểu được Mệnh, đó chính là đạo lý chân thực, hy vọng ông có thể lĩnh hội được toàn diện”.
Đạo sỹ nói xong xuống thuyền, nhanh chóng biến mất.